Trước thực trạng sạt lở nghiêm trọng bờ biển thuộc tuyến đê biển Tây, những năm 2009-2010, tỉnh Cà Mau triển đã khai xây dựng khẩn cấp 2,3 km kè bản nhựa và kè rọ đá nối từ Rạch Dinh đến Lung Ranh (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) để cứu đê biển. Thế nhưng, công trình mới đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã bị sóng biển làm hỏng. 
Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, những năm gầy đây, do tác động của biến đối khí hậu, tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Nhiều đoạn đê biển đã xuống cấp cần phải có nguồn vốn lớn để nâng cấp. Do ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn nên Cà Mau phải tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương để đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở đê biển trước mùa mưa bão hàng năm. 
Tuy nhiên, trước yêu cầu hộ đê khẩn cấp, UBND tỉnh nỗ lực huy động nguồn lực, tạm ứng vốn địa phương với phương châm có vốn bao nhiều thì làm bấy nhiêu. Giải pháp cấp bách "cứu đê" là đầu tư xây dựng kè bản nhựa và kè rọ đá. Theo tính toán, thi công kè bản nhựa tốn từ 5-7 tỷ đồng/km, kè rọ đá từ 12-15 tỷ đồng/km. Nếu được Trung ương đầu tư đủ vốn thì Cà Mau sẽ chọn giải pháp xây dựng kè tạo bãi. Đây là mô hình được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đánh giá rất cao về hiệu quả và tác dụng lâu dài, vừa có chức năng chắn sóng, chống sạt lở, vừa bảo vệ thảm rừng hiện có và phục hồi lại diện tích rừng phòng hộ đã mất, bảo vệ an toàn cho đê. 
Vào thời điểm năm 2011, Cà Mau đã triển khai xây dựng thí điểm 300 m kè tạo bãi, với vốn đầu tư 30 tỷ đồng/km, kinh phí đầu tư cao gấp nhiều lần so với công trình kè rọ đá và kè bản nhựa. Ông Hoai cho biết: tuy xây dựng kè tạo bãi cần vốn đầu tư rất lớn, nhưng xét về hiệu quả bảo vệ đê biển thì nó có ưu điểm rõ rệt so với hai loại kè bản nhựa và rọ đá. Từ hiệu quả trên, Cà Mau đã được Trung ương ưu tiên nguồn vốn tiếp tục nhân rộng mô hình kè tạo bãi có tác dụng bảo vệ an toàn lâu dài cho tuyến đê biển Tây và đê biển Đông. Kể từ năm 2011 đến nay, Cà Mau cơ bản hoàn thành 5,4 km kè tạo bãi, gia cố phía ngoài bằng phương pháp cắm hai hàng cột bê tông xuống bãi biển, liên kết đà giằng và đổ đá hộc vào khoảng giữa để bảo vệ đê từ xa, tạo bãi trồng cây rừng (mắm, đước) khôi phục lại rừng phòng hộ. 
Trong những ngày gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cùng các sở, ngành của tỉnh có chuyến đi khảo sát, nắm hiện trạng sạt lở bờ biển để chủ động có các biện pháp ứng phó với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm 2013. Hiện trên tuyến đê biển Tây chạy qua địa phận của ba huyện: Phú Tân, U Minh và Trần Văn Thời, có đến 4 đoạn bờ biển có chiều dài khoảng 2,3km đang trong tình trạng sạt lở rất nghiệm trọng, đê biển khó có thể cầm cự khi có xảy ra sóng to, gió lớn. Trong đó, gần 1km bờ biển Tây thuộc bờ Bắc cống Tiểu Dừa, Vàm kinh Ba Tỉnh, Vàm cống Kinh Mới, Cửa Mỹ Bình, Vàm Kênh Xáng, Vàm kênh Thủy sản đang cần nguồn vốn đầu tư hộ đê khẩn cấp để bảo vệ an toàn cho đê biển trước nguy cơ bị vỡ trong mùa mưa bão năm nay./.
(Theo TTXVN)