Vừa qua, Viện Công nghệ sinh học Việt Nam cùng Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc đã ứng dụng thành công mô hình ứng dụng vật liệu chống thấm (HDPE) xây dựng hầm Biogas tạo khí sinh học chạy máy phát điện.
Mô hình trên được sử dụng vào thực tế cho trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm tại huyện Tam Đảo. Đánh giá kết quả cho thấy, dùng vật liệu HDPE vào xây dựng hầm Biogas tạo khí sinh học chạy máy phát điện ngoài đem lại hiệu quả kinh tế cao, còn giúp giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Theo anh Dương Quốc Khánh, Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc cho biết: Màng chống thấm HDPE trong các hầm Biogas kín khí giúp lượng vi khuẩn gây hại trong phân và chất thải chăn nuôi bị phân hủy nhanh thành khí gas và nước. Cứ Trung bình 3 mét khối dịch phân cho năng suất gas đạt từ 0,5 -0,6m3/ngày đêm. Lượng khí gas này có thể làm chất đốt và sử dụng thoái mái để chạy máy phát điện dùng cho sinh hoạt cả gia đình.
Thêm vào đó, nước thải qua hệ thống Biogas được sử dụng vật liệu HDPE còn giúp diệt hết 99% trứng giun sán, tận dụng làm phân vi sinh hoặc tưới rau sạch. Hầm biogas còn mang lại phân bón an toàn cho canh tác, hạn chế côn trùng phát triển và sinh trưởng, qua đó giúp giảm dịch hại từ 70%-80%, bảo vệ sức khỏe người nông dân.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, hầm Biogas sinh học hiện đang được sử dụng rất rộng rãi, tuy nhiên hầu hết được xây dựng bằng vật liệu xây dựng như xi măng, cát với chi phí tốn kém hơn. Dạng hầm này thường chỉ áp dụng tại những trang trại chăn nuôi quy mô lớn dùng những bể chứa chất thải có thể tích hàng trăm mét vuông.
Trong khi đó, với mô hình ứng dụng vật liệu chống thấm (HDPE) xây dựng hầm Biogas tạo khí sinh học chạy máy phát điện, chi phí đầu tư chỉ bằng một nửa so với hầm Biôgas truyền thống, lại có độ bền cao và có thể áp dụng ở những trang trai quy mô vừa và nhỏ. Thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật triển khai rộng rãi mô hình này trong các trang trại chăn nuôi trên toàn tỉnh.
Cổng thông tin Bộ Xây dựng